Kỹ thuật nuôi lươn trong bể lót bạt

Lươn có thể nuôi với hình thức có bùn hoặc không có bùn, nhưng phổ biến nhất vẫn là kiểu nuôi truyền thống trong bùn đất. Tuy nhiên, với kiểu nuôi này bộc lộ những mặt hạn chế nhất định như khó quản lý về số lượng lươn nuôi, thức ăn dư thừa, dịch bệnh và tỷ lệ hao hụt cao…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Đồng thời, việc đầu tư một lượng đất khá lớn vào bể nuôi góp phần làm gia tăng giá thành sản phẩm, giảm hiệu quả kinh tế mang lại. Vì vậy, để nuôi lươn đạt hiệu quả kinh tế cao, xin giới thiệu kỹ thuật nuôi lươn không bùn (nuôi trong bể lót bạt).
1. Địa điểm nuôi: địa điểm đặt bể nuôi lươn phải thoáng, ít cây cối che xung quanh, thuận tiện cho việc cấp và thoát nước, bể có độ dốc nghiêng về phía cống thoát nước.
2. Chuẩn bị bể: bể có kích thước không nên quá lớn hoặc quá nhỏ, với chiều dài từ 2 - 5m, chiều rộng từ 1,2 - 2 m, chiều cao từ 0,8 - 1 m (diện tích khoảng khoảng từ 4 - 6 m2 là phù hợp nhất). Khung sườn của bể được cố định và cột bằng tre hoặc gỗ tạp để tiết kiệm chi phí. Người nuôi có thể sử dụng nan tre nứa bao xung quanh bên trong khung sườn trước khi lót bạt (dùng bạt ni lông loại dày không thoát nước) vào thành bể nuôi hoàn chỉnh.
Để thuận tiện cho việc thay nước thì người nuôi có thể đặt van xả ở cạnh ngang chỗ mặt đất thấp nhất. Trước khi đặt giá thể vào bể thì cấp nước vào gần đầy bể rồi ngâm 5 - 7 ngày (đối với bạt mới) tránh ảnh hưởng đến sức khỏe lươn nuôi. Mực nước trung bình 15 - 30 cm để lươn chủ động hô hấp khí trời. Giá thể nuôi lươn dùng sợi nilon cột thành bó đặt ở giữa bể nuôi chiếm từ 1/2 - 2/3 diện tích và cách vách bể 0,5 - 0,7m.
3. Thả giống: lươn có thể thả nuôi quanh năm, nhưng thời điểm thả giống tốt nhất là tháng 6 đến tháng 8. Nguồn lươn giống hiện nay thường được bắt từ tự nhiên nên chất lượng không đồng đều; tốt nhất, người nuôi nên tìm hiểu rõ nguồn gốc và lựa chọn thật kỹ. Lươn giống được chọn phải đồng cỡ, màu sắc tươi sáng và phản ứng nhanh nhạy với tiếng động, không bị tổn thương, không mất nhớt; mật độ 60 - 80 con/m2 cỡ giống 40 - 60 con/kg.
4. Cho ăn và chăm sóc: sau khi thả giống được 1 tuần thì lươn mới thích nghi với môi trường nuôi và bắt đầu ăn mồi. Thức ăn sử dụng cám viên công nghiệp có hàm lượng đạm cao (>40%), không ôi thiu, ẩm mốc, kích thước viên thức ăn theo giai đoạn tăng trưởng của lươn, kết hợp thêm thức ăn tươi (cá tạp, trùn quế) trong suốt thời kỳ nuôi.
Cho lươn ăn cần tuân theo 4 nguyên tắc sau: Đúng giờ (ngày cho ăn 2 lần, buổi sáng vào lúc 8 - 9 giờ, chiều cho ăn lúc 14 - 15 giờ. Đủ lượng (ở nhiệt độ nước 20 - 28oC thì lươn ăn rất mạnh từ 6 - 10% trọng lượng lươn. Khi nhiệt độ lớn hơn 28oC thì giảm lượng thức ăn). Đúng chỗ (nên cho lươn ăn ở một vị trí nhất định). Đủ chất (không nên cho ăn thiếu hoặc quá dư đều ảnh hưởng không tốt đến lươn cũng như hiệu quả kinh tế).
Mỗi ngày cho lươn ăn 1 - 2 lần, tùy theo thời tiết vào buổi sáng và buổi chiều. Lươn chỉ tham gia bắt mồi chủ động trong thời gian từ 10 - 15 phút. Sau thời gian này lươn không còn bắt mồi nữa. Dựa vào đặc điểm bắt mồi của lươn mà điều chỉnh thức ăn cho hợp lý. Những ngày nắng nhiệt độ cao nên cho lươn ăn 2 lần; khi trời âm u, mưa, lạnh chỉ nên cho lươn ăn 1 lần.
Cách chế biến thức ăn cho lươn: thức ăn cho lươn như cá, tép cần được xay nhuyễn. Thức ăn thức viên công nghiệp cần cho nước vào làm cho viên thức ăn rã ra và làm vón thành những cục lớn. Thức ăn là trùn quế thì cần rửa trùn sạch; sau đó, được đưa vào tủ cấp đông rồi cho lươn ăn, tránh hiện tượng tan rã thức ăn dễ làm ô nhiễm nguồn nước và khả năng bắt mồi kém hiệu quả.
Chăm sóc, quản lý: sau khi cho ăn khoảng 2 - 3 giờ nên kiểm tra sàn ăn xem thức ăn còn thừa hay thiếu nhằm điều chỉnh cho những lần sau tránh thừa thức ăn gây lãng phí và ô nhiễm. Cần phải thay nước bể nuôi hàng ngày sau khi cho lươn ăn 1 - 2 giờ nhằm cải thiện chất lượng nước, cung cấp đủ ôxy hòa tan và ổn định nhiệt độ trong bể nuôi, lượng nước thay từ 2/3 đến toàn bộ và tùy thuộc chất lượng nước, không để nước có mùi hôi.
Khi thời tiết nắng nóng kéo dài, cần che mát cho bể nuôi, những khi mưa lớn cần có ống xả tràn tránh tình trạng lươn theo nước ra ngoài. Vào ban đêm, nhất là mùa hè oi nóng, có thể trong bể nuôi thiếu ô xy hòa tan, phải kết hợp thay nước và sục khí cung cấp thêm ô xy để lươn bớt ngoi đầu lên thở. Hàng ngày thay nước mới 100% sau mỗi lần cho lươn ăn (thường vào buổi sáng).
Việc thay nước được tiến hành ngay sau khi lươn ngừng ăn 1 giờ. Sử dụng vòi xịt loại bỏ tất cả các chất cặn bã bám trên mặt bể, tường bể; sau đó, cấp nước mới vào, độ sâu nước bể khoảng 7 - 10 cm nếu lươn còn nhỏ, khi lươn lớn thì mức nước cao 10 - 15 cm. Định kỳ 7 ngày/lần trộn thêm VitaminC và men tiêu hóa vào thức ăn với liều lượng bằng 1% lượng thức ăn để tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho lươn.
5. Thu hoạch: sau 6 tháng nuôi, lươn đạt kích cỡ thương phẩm (200 - 300g/con) tiến hành thu hoạch. Có thể thu lươn bằng hình thức dẫn dụ: dùng cám gạo rang trộn với cua, tép và giun làm mồi rồi dụ lươn vào ngăn thu hoạch. Khi thấy lươn tập trung nhiều ở ngăn thu hoạch thì đóng nút thông và dùng vợt bắt lươn; khi thu lươn nên ngừng cho ăn từ 1- 2 ngày.
Cách tiến hành thu hoạch, vận chuyển: nên bắt từng mẻ và thu gọn, vận chuyển nhanh; rửa sạch bùn đất bám trên da và mang lươn trong bể chứa tạm trước khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ; không chuyển lươn với mật độ quá cao làm lớp lươn bên dưới bị đè dẹp dễ bị ngạt và chết; tốt nhất sau khi thu hoạch, nên vận chuyển ngay.
Nguyễn Thị Xuân (Trung tâm Khuyến nông tỉnh)

TRẠI LƯƠN GIỐNG VIFOODS

“Trại lươn Giống Vifoods  - Bể Composite”

Hotline (24/24) : 0566.950.950
Hỗ trợ KT : 0566.950.950
Địa chỉ : 48 Đường số 1C, Kp2, Phường Phú Mỹ, Quận 7, Tp HCM
Email : [email protected]
Website : https://trailuongiong.com.vn/