KỸ THUẬT NUÔI LƯƠN ĐỒNG (Monopterus albus)

 

Trong những năm gần đây, lươn đồng là loài đặc sản nước ngọt được nhiều bà con nông dân đầu tư nuôi vì hiệu quả kinh tế đem lại cao, sản phẩm dễ tiêu thụ, giá thành cao, chi phí thấp và phù hợp với điều kiện đất đai, nguồn vốn, nhân lực, nguồn nước và trình độ kỹ thuật của đại đa số nông dân. Hiện tại có 2 phương thức nuôi phổ biến là nuôi trong bể và nuôi trong ao đất, tùy vào điều kiện cụ thể của từng gia đình để có hướng nuôi phù hợp. Để nuôi Lươn đạt hiệu quả cao, sau đây chúng tôi xin giới thiệu đến bà con kỹ thuật nuôi lươn trong bể xi măng.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
I.    Một số đặc điểm sinh học của Lươn đồng
1.    Đặc điểm hình thái
Lươn có thân dài, phần trước tròn, phần sau dẹp bên và mỏng. Toàn thân không có vẩy. Đầu hơi dẹp bên, miệng có thể mở rất rộng, xương hàm cứng và chắc. Vây ngực và vây bụng thoái hóa hoàn toàn. Vây lưng, vây hậu môn, vây đuôi nối liền với nhau và tia vây không rõ ràng. Lưng có màu nâu sậm, vàng nâu, bụng có màu vàng nhạt.
2.    Phân bố
Lươn là loài phân bố rộng, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là khu vực nhiệt đới. Lươn sống phổ biến trong trong các ao, hồ, sông rạch, ruộng lúa nơi có nhiều mùn bã hữu cơ và sinh vật nhỏ làm thức ăn. Lươn có khả năng chịu đựng khô hạn bằng cách chui rúc vào trong đất ẩm.
3.    Tính ăn
Lươn có hàm khoẻ, miệng lớn, ruột ngắn, không cuộn khúc. Điều đó chứng tỏ lươn là loài cá ăn động vật. Khi còn nhỏ thức ăn của lươn là động vật phù du, khi trưởng thành thức ăn là động vật đáy như tôm cá con, ấu trùng côn trùng thuỷ sinh. Lươn có tập tính hoạt động kiếm ăn về đêm, ban ngày ẩn nấp trong hang hoặc chỉ rình mồi ở cửa hang. Khi thiếu thức ăn, lươn có thể ăn lẫn nhau.
4.    Ðặc điểm hô hấp
Ở lươn, ngoài mang còn có cơ quan hô hấp phụ là da và khoang hầu. Da lươn thuộc da trơn, có nhiều nhớt và dưới da có rất nhiều mạch máu nhỏ nên rất thuận lợi cho việc trao đổi khí qua da. Thành khoang hầu của lươn mỏng có nhiều mạch máu giúp cho việc trao đổi khí xảy ra ở đây khi lươn đớp khí.
Khi để lươn trên cạn, da khô, chúng sẽ chết sau 12 - 20 giờ, nhưng nếu giữ đủ độ ẩm cho da lươn sẽ chết sau 27 - 70 giờ. Nếu không được tiếp xúc trực tiếp với không khí lươn sẽ chết sau 4 - 6 giờ mặc dù oxy trong nước đầy đủ.
5.    Ðặc điểm sinh trưởng
Sinh trưởng của lươn phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố. Tốc độ sinh trưởng của lươn chậm so với một số giống loài thuỷ sản khác. Ở môi trường tự nhiên sau một năm lươn có thể đạt trọng lượng 200 - 300 g/con. Nhiệt độ thích hợp nhất cho lươn sinh trưởng từ 25 - 280C. Khi nhiệt độ thấp hơn 180C lươn bỏ ăn và dưới 100C lươn sẽ chui xuống bùn trú đông.
6.    Ðặc điểm sinh sản
Lươn thành thục khá sớm khi 1 năm tuổi và lươn có sự chuyển giới tính. Lươn có kích cỡ nhỏ (dưới 25 cm) hoàn toàn là lươn cái, cỡ 25 - 54 cm có cả con đực, con cái và con lưỡng tính, cỡ lớn hơn (trên 54 cm) thì hoàn toàn là lươn đực.
Khi sinh sản, lươn làm tổ bằng cách đào hang ở cạnh bờ và nhả bọt lên miệng hang để bao bọc trứng. Bọt do lươn nhả ra vừa có tác dụng bảo vệ trứng vừa có tác dụng giữ trứng tập trung trong tổ. Vào mùa sinh sản, sau những trận mưa và lúc trời gần sáng là thời điểm lươn đẻ tập trung. Trước khi đẻ, lươn đực phun bọt vào trong tổ, sau đó lươn cái đẻ trứng và con đực cắp trứng vào tổ.
II.    Kỹ thuật nuôi lươn đồng trong bể xi măng
1.    Thiết kế hệ thống bể nuôi

Hệ thống bể nuôi nên xây dựng ở nơi cao ráo, gần nguồn cấp nước chất lượng tốt. Hệ thống nuôi tốt nhất là nuôi trên bể xi măng có lát gạch men, hay lót bạt (kích cỡ trung bình 6m x 3m x 1m), nên thiết kế từ 1 bể  trở lên tùy theo quy mô nông hộ, tốt nhất là 4 - 8 bể . Hệ thống nuôi nên che mát hoàn toàn bởi mái che bằng tôn hay bạt. Bể có hệ thống thoát nước đường kính 60 - 90 mm, đáy có độ nghiêng khoảng 5% về phía cống thoát. Ống cấp nước có đường kính 60 mm.
Giá thể cho lươn trú ẩn có 2 dạng: có thể sử dụng dây nylon bó thành chùm thả xuống bể  nuôi từ đầu đến khi thu hoạch, mỗi bể có 5 - 10 chùm dây. Một dạng khác là sử dụng dây nylon giai đoạn lươn nhỏ đến 10 - 20 g/con, rồi dùng giá thể là khung tre, ống nhựa, hay khung dây (3 khung/bể, mỗi khung cách nhau 5 - 10 cm, khoảng cách ống, tre, dây trong khung cách nhau 2 - 5 cm).
2.    Chuẩn bị nguồn nước nuôi
Nước dùng để cấp vào bể nuôi phải đảm bảo: pH: 6,5 - 7,5; Kiềm: 60 - 120 ppm.
-Nếu dùng nước giếng khoan (nước ngầm) thì cần phải xử lý trước khi đưa vào bể nuôi nếu không Lươn dễ bị bệnh , do nước giếng khoan thường có độ kiềm và hàm lượng một số chất sắt, nhôm, kẽm ... cao. Trước khi cấp vào hệ thống nuôi cần xử lý ít nhất 24 giờ qua hệ thống lọc bằng giá thể, than hoạt tính…. Cũng có thể dùng EDTA để xử lý nước , liều lượng 2g/m3 nước.
- Nếu sử dụng nước máy để nuôi  thì cần bơm vào bể lắng qua đêm, sau đó đưa vào bể nuôi lươn; do nước máy có hàm lượng Chlorin nên khi đưa trực tiếp vào Lươn dễ bị bệnh chết.
Mức nước trong bể nuôi lươn được điều chỉnh tùy giai đoạn phát triển, và loại giá thể sử dụng; thông thường mức nước được duy trì từ 10 - 40cm.
3. Con giống
Chọn mua giống ở các cơ sở có uy tín .Nên chọn con giống đồng cỡ khỏe mạnh, không bệnh, không dị hình, không xây sát. Cỡ giống thả phụ thuộc kinh nghiệm và tùy theo điều kiện nuôi, thông thường 50 - 500 con/kg. Tốt nhất là 80 - 150 con/kg. Mật độ thả nuôi tùy cỡ, nhưng dao động 80 - 200 con/m2. Khi vận chuyển lươn giống phải ngưng cho ăn ít nhất 1 ngày, vận chuyển bằng thùng xốp hở, hoặc túi nylon có ôxy với tỷ lệ 1:1 (1 nước 1 lươn). 
Trước khi thả nên tắm lươn bằng iodine, hoặc thuốc tím pha loãng với nồng độ 2 - 5 ppm trong 5 phút. Cũng có thể dùng nước muối để tắm với liều lượng 50g muối/lít nước, tắm trong khoảng 10 - 15 phút. 
Sau khi thả để lươn ổn định, thích nghi với môi trường mới từ 3 - 5 ngày rồi mới bắt đầu cho ăn.
4.    Thức ăn
Việc lựa chọn loại thức ăn nào tùy theo điều kiện của người nuôi. Có 2 hình thức cho ăn là cho ăn thức ăn viên hoàn toàn và thức ăn chế biến gồm cá tạp xay + thức ăn viên. Ở những nơi không chủ động nguồn cá tạp thì người nuôi nên sử dụng thức ăn viên hoàn toàn. Cỡ viên 1 - 3 mm tùy cỡ miệng lươn, hàm lượng đạm 40 - 50%. Khẩu phần thức ăn viên hàng ngày tùy theo cỡ lươn, nên 1 - 2% khối lượng đàn lươn
Ở những vùng nuôi có nguồn thức ăn tươi dồi dào thì bà con có thể sử dụng thức ăn chế biến gồm cá tạp xay + thức ăn viên. Mới đầu cho ăn cá tạp xay, sau đó cho ăn lẫn với thức ăn hỗn hợp đến khi lươn đã quen thì cho ăn hoàn toàn thức ăn hỗn hợp. 
Lưu ý: Lươn có tính lựa chọn thức ăn rất cao. Khi đã ăn quen một loại thức ăn nào đó muốn đổi thức ăn khác rất khó. Vì vậy, trong giai đoạn đầu cần phải thuần dưỡng, cho ăn các loại thức ăn dễ kiếm, giá rẻ, tăng trọng nhanh. Lươn sẽ giảm hay bỏ ăn khi thay đổi thức ăn đột ngột nên khi thay đổi thức ăn cần phải trộn thức ăn cũ và mới theo tỷ lệ nhất định rồi mới chuyển dần qua thức ăn mới.
5.    Chăm sóc và quản lý
a) Cách cho ăn : Khi cho lươn ăn phải nắm vững nguyên tắc “4 định” (định chất, định lượng, định thời gian, định vị trí) để điều chỉnh lượng thức ăn một cách hợp lý.
- Ðịnh chất là thức ăn phải luôn tươi sống, tuyệt đối không cho ăn thức ăn cũ ôi thiêu .
- Ðịnh  lượng là vừa đủ no, không để thức ăn thừa (lươn rất tham ăn dễ bị bội thực). Trong phạm vi nhiệt độ thích hợp, nhiệt độ cao cho ăn số lượng nhiều hơn,  lúc đầu cho ăn khoảng 1 - 2% và khẩu phần tăng dần lên 5 - 8% trọng lượng lươn.
- Ðịnh thời gian tức là từ 15 - 17h chiều, sau khi lươn đã quen có thể cho ăn sớm dần và tập thành cho ăn ban ngày.
- Ðịnh vị là chỗ cho ăn phải cố định, sàn cho ăn bằng gỗ hoặc tre,  sàn làm bằng lưới rây hoặc rổ thưa 
Theo dõi mức ăn của lươn để hạn chế thức ăn thừa, 1 - 2 giờ sau khi cho lươn ăn nên kiểm tra và vớt bỏ phần thức ăn thừa.
b)  Quản lý
Trong quá trình nuôi, lươn có tốc độ tăng trưởng không đều nhau nên tính phân đàn lớn dẫn đến chênh lệch kích cỡ, có thể xảy ra hiện tượng ăn lẫn nhau. Do đó định kỳ sau thời gian nuôi 1 - 1,5 tháng nên phân cỡ lươn ra nuôi riêng để hạn chế lươn hao hụt do tấn công lẫn nhau.
Giữ nguồn nước sạch, không  bị ô nhiễm: Ao nuôi lươn yêu cầu nước sạch, hàm lượng O2 trên 2mg/l. Do bể nuôi lươn rất cạn chỉ có 20 - 30 cm mà thức ăn lại giàu đạm nên nước rất dễ bị nhiễm bẩn ảnh hưởng đến tính bắt mồi và sinh trưởng của lươn. Khi nước quá bẩn thì nửa thân trước của lươn thẳng đứng trong nước, đầu nhô lên mặt nước để thở. Khi gặp hiện tượng đó phải nhanh chóng thay nước mới vào. Ðể phòng tránh  nước nhiễm bẩn thì từ 2 - 3  ngày thay nước 1 lần. Lượng nước thay tối đa 70% lượng nước nuôi. Mùa hè nhiệt độ cao nên thay nước  hằng ngày và thường xuyên vớt bỏ thức ăn thừa, rác bẩn trong bể nuôi,…
Giữ  nhiệt độ ổn định: Do mức nước sử dụng để nuôi lươn chỉ có 20- 30 cm, nên bể nuôi phải che bằng giàn lưới hoặc thả một ít rong bèo hoặc trồng cây cỏ thủy sinh.
Giữ lươn không bò trốn: Vào những lúc trời mưa lươn rất hay bò trốn đi nơi khác; nhất là lúc trời mưa liên tục, nước dâng lên, lươn theo đáy, hoặc chỗ cống bị thủng lươn cũng theo đấy bò đi ra ngoài,… Vì vậy, bể nuôi phải được thiết kế đúng theo yêu cầu kỹ thuật, phải thường xuyên kiểm tra phát hiện có những khe hở phải kịp thời sửa chữa.
6. Phòng trị bệnh cho lươn
a) Phòng bệnh: 
Lươn là loài thủy sản có sức chịu đựng cao, nhưng do điều kiện bể nuôi có nhiều điểm khác biệt so với môi trường tự nhiên nên quá trình nuôi lươn có thể bị bệnh. Một số nguyên nhân làm lươn bệnh khác như khi vận chuyển lươn bị nhốt với mật độ cao nên dễ bị xây xát, môi trường thay đổi đột ngột kết hợp chế độ chăm sóc chưa hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho ký sinh trùng, nấm bệnh phát triển. Khi lươn bị bệnh việc nuôi thương phẩm mang lại hiệu quả không cao nên Phòng bệnh là việc làm quan trọng.
Trước khi thả lươn, làm vệ sinh cải tạo bể nuôi theo đúng yêu cầu kỹ thuật và sau đó tiến hành thả nuôi. Trong khi nuôi cần vệ sinh bể, giá thể như hàng ngày dội rửa sạch bể, giá thể. Định kỳ 7 - 10 ngày, dùng thuốc sát khuẩn như thuốc tím, iodine tạt vào nước với liều lượng 0,5 - 1 ppm. 
- Định kỳ 2 tháng xổ giun sán cho Lươn 1 lần, sử dụng thuốc xổ giun sán Fugacar 4 viên/kg thức ăn.
b) Trị một số bệnh thường gặp
Trong quá trình nuôi, lươn thường xảy ra một số bệnh như :bệnh sốc môi trường, bệnh Nấm thủy mi, Hội chứng lỡ loét và bệnh nội ngoại ký sinh.
Bệnh sốc do môi trường:
- Nguyên nhân :do vận chuyển hoặc thuần dưỡng với mật độ cao, dịch nhầy lươn tiết ra, nhiệt độ nước tăng, hàm lượng oxy giảm. 
Triệu chứng: Lươn bị xáo động trong bể, quấn quít vào nhau, dịch nhày tiết vào trong nước, độ nhớt của nước tăng lên, đầu lươn sưng phồng to, lươn chết hàng loạt.
Trị bệnh: Giảm mật độ nuôi bằng việc san thưa, thay nước; giữ mức nước tối đa 0,2m. Khi phát hiện bệnh có thể dùng các sản phẩm chống sốc cho lươn.
* Bệnh nấm thủy mi
Triệu chứng: Do nấm ký sinh trên mình hay trứng lươn gây ra, thường xảy ra vào mùa xuân - thu, sợi hình bông bám vào lươn để gây nên vết loét.
Phương pháp phòng trị: Trước khi thả lươn, vệ sinh bể nuôi, sử dụng 100 - 150g vôi /m2 hoà tan để sát trùng bể nếu là bể nuôi lươn thương phẩm. Nếu là lươn giống, có thể tắm lươn vào nước muối  và các hóa chất khác như iodine, hoặc thuốc tím pha loãng.
* Bệnh lở loét
Nguyên nhân thường do ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn tấn công gây nên vết thương. Triệu chứng: Trên mình lươn xuất hiện nhiều vết tròn hay hình bầu dục. Da lươn bị lở loét còn gọi là bệnh đóng dấu. Trường hợp bệnh nặng đuôi lươn bị rụng đi, bơi lội khó khăn, đầu lươn ngóc lên khỏi mặt nước, bệnh này thường xảy ra vào thời điểm thả giống và chuẩn bị thu hoạch.
Phòng trị: Trước khi nuôi, cần sát trùng bể bằng vôi, vào mùa hay mắc bệnh cần phun thuốc Oxytetra  toàn bể. Trộn Oxytetra với liều lượng 1g/kg thức ăn. Có thể trộn kèm Vitamin C để chống sốc, mỗi ngày 1 lần, điều trị mỗi đợt 5-7 ngày.
* Bệnh nội ký sinh
Nguyên nhân : Do ký sinh trùng đường ruột gây nên. 
Triệu chứng: Tuyến trùng màu trắng, dài khoảng 1cm, đầu bám vào niêm mạc phá hoại mô, hình thành bào nang gây viêm ruột sưng đỏ. Nếu bị ký sinh với khối lượng lớn, lươn yếu, hậu môn sưng đỏ, sẽ chết dần.
Phòng trị: Có thể sử dụng các loại sản phẩm diệt nội ký sinh của các nhà sản xuất như Vemedim, Bayer, Anova… trộn vào thức ăn, cho lươn ăn liên tục trong 4 - 5 ngày.
*Bệnh ngoại ký sinh :
Triệu chứng: Do đỉa bám vào phần đầu lươn gây ra để phá hoại mô bì hút máu lươn, khiến cho vi trùng xâm nhập gây viêm nhiễm, lươn yếu, chậm chạp kém ăn ảnh hưởng đến sinh trưởng của lươn.
Phòng trị: Dùng các loại sản phẩm trị ngoại ký sinh để điều trị
7. Thu hoạch
Tùy theo kích thước thả mà quyết định thời gian thu hoạch hợp lý. Nếu cỡ lươn giống thả từ 50 - 60 con/kg; thời gian nuôi từ 5 - 6 tháng lươn đạt được 150 - 220g/con có thể thu hoạch.  Nếu thả 15- 20 con/ kg, thu hoạch sau  3 tháng nuôi.
Hoàng Thị Thùy Trang - Trạm Khuyến nông Triệu Phong

 

 

TRẠI LƯƠN GIỐNG VIFOODS

“Trại lươn Giống Vifoods  - Bể Composite”

Hotline (24/24) : 0566.950.950
Hỗ trợ KT : 0566.950.950
Địa chỉ : 48 Đường số 1C, Kp2, Phường Phú Mỹ, Quận 7, Tp HCM
Email : [email protected]
Website : https://trailuongiong.com.vn/